Chợ nổi Cái Răng – Một điểm du lịch vô cùng nổi tiếng ở Cần Thơ. Trái ngược với sự sang trọng hay hiện đại, chợ Cái Răng đơn giản chỉ là một khu chợ truyền thống gắn liền với người dân nơi đây, thế nhưng lại tạo nên cái chất riêng không lẫn vào đâu được. Để rồi ai một lần ghé đến cũng phải yêu mến điểm du lịch này!
”Ai về chợ nổi Cái Răng
Cần Thơ gạo trắng nước trong bồng bềnh
Về đây theo những con thuyền
Mang theo hương đất một miền phù sa”
– Trích: Chợ nổi Cái Răng của Vũ Đan Thành
Tôi yêu lắm cái bầu không khí trong lành vào mỗi buổi sớm, tôi yêu cái không khí hối hả, tất bật của cuộc sống lao động đời thường. Ở một thành phố chật chội tôi khao khát tìm kiếm những điều giản dị như thế.
Và nhân một ngày đẹp trời, bỏ qua mọi bộn bề của cuộc sống tôi quyết định tự thưởng cho mình một chuyến du lịch về Cần Thơ, về Chợ nổi Cái Răng.
Những điều cần phải “bỏ túi” trước khi đi khám phá Chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng là một trong ba chợ lớn của và là khu chợ lâu đồi nhất miền Tây. Tôi đã đi hầu hết các khu chợ, từ chợ vùng đồng bằng, núi cao hay ven biển nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đi chợ trên sông. Theo lời kể của người dân ở đây sở dĩ nó mang cái tên chở nổi là do việc mua bán diễn ra hoàn toàn trên sông.
Chợ nổi Cái Răng khác với mọi khu chợ khác, khi bóng tối còn bao trùm cả thành phố những người buôn bán đã í ới gọi nhau, các hoạt động mua bán đã bắt đầu diễn ra. Chợ được họp từ 4-5h sáng và đến 8-9h là tan tầm.
Nếu bạn muốn tận hưởng cái không khí buổi sớm của thành phố và khám phá tất tần tật về Chợ nổi Cái Răng thì bạn nên đi từ lúc sớm, hoặc bạn có thể đến chợ lúc tầm 6-7h bởi đây là khoảng thời gian chợ đông và nhộn nhịp nhất.
Nơi đây cách trung tâm Cần Thơ khoảng 6km. Bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian đến Cầu Cái Răng vì nó nằm khá gần chợ. Để đến được Chợ, phải mất 30 phút đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều.
Tại bến bạn có thể thuê các tàu tư nhân hoặc của các công ty du lịch. Nếu bạn đi đông có thể thuê thuyền riêng, một thuyền có thể chở được 10 – 12 người.
Giá dao động từ 500.000VND – 800.000 VND tùy vào khả năng mặc cả của bạn. Khi đi thuyền bạn có thể tranh thủ chụp những bức ảnh cực chill nhé. Ngoài ra bạn có thể thấy chợ nổi nằm trên quốc lộ 1A hoặc từ chợ An Bình dưới chân cầu Cái Răng thuộc địa phận quận Ninh Kiều.
Khám phá những điều thú vị về Cái Răng – Một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền Tây sông nước
Hiếm có khu chợ nào lại họp ngay trên sông, đi đi lại lại bằng những con thuyền chông chênh trên mặt nước như thế.
Chợ nổi Cái Răng có rất nhiều hàng hóa đa dạng, phong phú, đứng đầu là nhóm hàng nông sản: trái cây, rau củ quả, hoa kiểng; tiếp theo là nhóm hàng thủ công, gia dụng (lu hũ, khạp, chén, đĩa, nồi niêu, xoong, chảo…); thực phẩm (mắm, khô, nước mắm, bột ngọt, đường, sữa…).
Có một nét văn hóa mà tôi rất ấn tượng ở Chợ nổi Cái Răng là không bán chịu và ít nói thách. Do đặc tính buôn bán trên ghe thuyền, đòi hỏi phải mua bán thật nhanh chóng, linh hoạt, hạn chế mất nhiều thời gian để cho kịp con nước hoặc trước lúc chợ tan hoặc mặt trời lên cao.
Bên cạnh đó cũng bởi vì lẽ người dân nơi đây mua bán trên nền tảng chữ “tín”, tức là sự tin tưởng giữa người mua và người bán, không cần thương lượng phức tạp, không cần ký hợp đồng hoặc người làm chứng, nhưng rất ít xảy ra các vụ tranh chấp ở đây.
Đặc biệt một biểu tượng ở Chợ nổi Cái Răng mà có lẽ ai khi đến đây cũng đều tò mò và tỏ ra thích thú đó là biểu tượng “ cây bẹo”.
Nó là một chiếc sào khá cao mà hầu như trên chiếc thuyền nào cũng có một cây, trên cây treo những đồ vật, rau củ mà thuyền bán giúp mọi người dù ở khoảng cách khá xa cũng có thể biết được đằng đó bán gì, rất tiện lợi.
Khi đến Chợ nổi Cái Răng, bên cạnh những chiếc ghe, thuyền tỏa mùi trái cây thơm phức, bạn sẽ còn bị hấp dẫn bởi mùi thơm của nước dùng béo ngậy từ những chiếc ghe, thuyền bán hủ tiếu.
Thật là hợp lí cho một cái bụng trống khi đã lênh đênh suốt mấy canh giờ và đã thấm mệt. Quả thật, đến Chợ nổi Cái Răng mà không thưởng thức cảm giác lênh đênh trên thuyền và làm bát hủ tiếu nóng thì quả là đáng tiếc.
Ngồi trên thuyền ăn hủ tiếu và nghe cô bán hàng vui vẻ kể cho nghe về cách người miền Tây làm món ăn này và cô còn kể về những năm tháng lênh đênh trên sóng nước của cô và gia đình. Một cảm giác bình yên đến lạ.
Thuyền trôi bồng bềnh theo con nước, từng làn gió khẽ len lỏi qua mái tóc. Chúng ta có thể tận mắt thấy một màu xanh của những quả dưa hấu, mọng nước, vàng ruộm của nhãn, bưởi hay màu đỏ đỏ nâu nâu của trái măng cụt ngọt ngọt chua chua đậm đà trong từng múi nhỏ, những quả bí đỏ to tròn nằm trật tự trên ghe theo hàng theo lối,… Trái cây, nông sản nơi đây là thế.
Đến đây rồi càng giúp tôi hiểu thêm về những người nông dân hiền lành chất phác. Họ hiền hậu và thật hiếu khách. Có thể họ đến đây dù chỉ mang đi ít nông sản nhà trồng được, chẳng lời lãi gì nhiều mà chủ yếu là để hòa mình vào không gian của chợ, được gặp gỡ, chuyện trò cùng nhau và được lao động.
Với họ cuộc sống “rày đây mai đó” ở Chợ nổi Cái Răng là vất vả, là mệt nhọc nhưng trên gương mặt của những người nông dân hiền lành chất phác ấy luôn là một nụ cười rạng rỡ.
Lắng lòng lại một chút để cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống nơi đây. Ngắm nhìn khung cảnh tấp nập của khu chợ, ngắm nhìn những ghe hoa quả nhiều màu sắc. Lắng tai nghe tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Hay nếm thử những món ăn dân dã, quen thuộc.
Tất cả đã cho tôi một sự cảm nhận trọn vẹn, đầy đủ mọi giác quan và tôi tự hứa với lòng mình, hẹn gặp lại Cần Thơ, hẹn Chợ nổi Cái Răng thêm một ngày gần nữa!!!
Xuân Trinh