Ký sự phượt thác K50: Lạc lối giữa đại ngàn (Phần 1)

Ký sự đi thác K50: Lạc lối giữa đại ngàn (Phần 1)

Biết đến thác Hang Én (K50) từ một buổi trò chuyện với anh Trung Cọp sau chuyến đi Tà Năng – Phan Dũng cách đây hai năm, khi ấy thác K50 vẫn còn là một con thác hoang sơ nằm ẩn mình trong khu bảo tồn (KBT) Kon Chư Răng, huyện K’bang tỉnh Gia Lai mà chưa nhiều người biết đến.

Ký sự phượt thác K50: Lạc lối giữa đại ngàn (Phần 1)

Ấp ủ đi trekking thác K50 từ rất sớm

Chỉ có vài tấm ảnh lờ mờ ghi nhận lại hình dáng một con thác hùng vĩ đẹp tuyệt như tranh vẽ mà anh Cọp mở cho tôi xem qua chiếc điện thoại cũ kỹ kèm theo những mẫu chuyện vắn tắt về sự nhọc nhằn để đến được nơi đây.

Nào ngờ, chút thông tin ít ỏi ấy lại đủ sức khơi gợi trí tò mò trỗi dậy trong tôi. Viễn cảnh về cuộc hành trình đi vào con thác huyền thoại này cũng bắt đầu được nhen nhóm…

Hai năm sau, trải qua lớp lớp chân người đặt chân đến K50, dòng thác bí ẩn ngày nào đã trở nên nổi tiếng trong giới Trekker qua những tấm ảnh, thước phim hay những bài review xuất hiện đầy ắp trên mạng internet.

Tôi chợt chạnh lòng tiếc nuối vì nhiều lý do khách quan, mà bẵng đi một thời gian dài không có cơ hội tham gia vào chuyến hành trình từng ấp ủ khi xưa.

Đặc biệt khi có thông tin tuyến đường vào K50 sắp bị khai thác để thương mại hóa du lịch, tôi hiểu cơ hội trải nghiệm một K50 còn được bảo tồn nguyên vẹn vẻ hoang sơ đang dần trôi tuột đi, và nếu không hạ quyết tâm khởi hành ngay lúc này, e rằng sẽ chẳng còn dịp nào khác nữa!

Thế là, chẳng kịp rủ theo bạn bè chiến hữu như mọi lần, tôi vội vã khăn gói hành trang, theo chân những người đồng hành cùng chí hướng, háo hức tiến về Gia Lai trong một đêm nửa đầu tháng Giêng, cho những kế hoạch dở dang được tròn vẹn…

————————–
Ngày 01: K’Bang – KThác Hang Én K50BT Kon Chư Răng – 

“Mệt nhoài” trên chuyến xe khách chạy 13 tiếng

Sáng ngày đầu tiên, chúng tôi đặt chân đến huyện K’Bang sau một đêm dài ngủ vật vờ trên chuyến xe giường nằm xuất phát ở Sài Gòn.

Đoàn đi xe Cô Mai lên Kbang Gia Lai

Đoàn xuống bến xe Kbang chuẩn bị ăn sáng và trung chuyển xe 16 chỗ vào khu bảo tồn

Hơn 13 tiếng “nằm thiêm thiếp” trên chuyến xe khách, khiến cho bụng dạ ai nấy đều cồn cào, chúng tôi ghé vội vào một quán phở khô Gia Lai ven đường tích đầy năng lượng, sau đó tiếp tục theo xe 16 chỗ trung chuyển vào KBT Kon Chư Răng.

Mất hơn một giờ men theo con đường Đông Trường Sơn hun hút, xe chúng tôi đến trạm kiểm lâm ngay bìa rừng lúc 10h sáng (trễ hơn 2 tiếng so với dự định).

Ăn sáng với đặc sản phở khô Gia Lai

Đoàn chúng tôi gồm 8 lữ khách đi cùng 5 porters, kết hợp cùng 1 anh kiểm lâm, tổng cộng là 14 người, dưới sự hướng dẫn của anh Lực – leader của chuyến đi này. Sau khi lọc lại hành lý và đồ dùng cá nhân, đoàn chúng tôi được “nhồi” lên một chiếc xe máy cày chuyên dụng để tiếp tục băng rừng đến địa điểm trekking.

Chuẩn bị hành lý để lên máy cày vào rừng

Ngồi máy cày trải nghiệm cảm giác mạnh

Hai giờ trên xe máy cày chính là trải nghiệm thú vị đầu tiên mà cuộc hành trình mang lại: xe ầm ầm lao đi trên con đường đất đỏ lầy lội, hết nghiêng bên này lại ngã bên kia, chốc chốc các hành khách chúng tôi phải cúi rạp đầu xuống để né các cành cây ven đường, cảm giác hệt như đang ngồi trên một đoàn tàu cảm giác mạnh đi vào thế giới bí ẩn của rừng núi.

XEM THÊM:  Khám phá bãi đá cổ Sapa - Vẻ đẹp ẩn chứa sau dấu tích kì bí

Offroad xuyên rừng bằng máy cày khoảng 15km

Thử thách này không dành cho những ai dễ say xe, vì tình trạng “nhồi” lên “nhồi” xuống liên tục sẽ khiến bạn chóng mặt buồn nôn, chưa kể khả năng trầy xước nếu không lưu ý các nhánh cây liên tục xuất hiện trước mặt. Tuy nhiên, thật may đoàn chúng tôi vì sự hào hứng ban đầu nên rất nhanh đã vượt qua một giờ off-road này!

Ngồi máy cày cả đoạn đường dài ê cả người

Đến một ngã ba rừng, nơi xe không thể tiến thêm được nữa, chúng tôi bắt buộc phải xuống xe, chuẩn bị hành lý và phân chia dụng cụ cá nhân (lương thực, nước, túi ngủ…).

Thông thường trung bình mỗi trekker sẽ vác balo tầm 10kg, còn các anh em porters chịu trách nhiệm nặng hơn, từ 17-20kg/người.

Do chuyến đi lần này của đoàn có rất nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn bán chuyên, vì thế trọng lượng của mỗi túi hành lý cũng gia tăng đáng kể với sự xuất hiện của các thiết bị chuyên dụng.

Đến điểm trekking đầu tiên, phân chia và cân đối lại đồ đạc, ba lô

“Hớn hở” với hành trình trekking và “nếm trải” mùi vắt cắn

Mọi người hăm hở nối đuôi nhau, men theo con đường mòn khúc khuỷu băng xuyên rừng, những bước chân ban đầu tỏ ra rất phấn khích khi sức khỏe ai nấy còn đủ đầy và cảnh sắc nguyên sơ của khu rừng khiến đoàn người vô cùng thích thú.

Tiếng nói cười rôm rả, tiếng í ới gọi nhau, những cú bấm máy ảnh tanh tách hay tiếng huýt sáo giục giã của người đi trước, tất cả tạo nên một bầu không khí sôi động trong khoảng một giờ trekking đầu tiên.

Du khách hớn hở trekking với những km đầu tiên

Trekking rừng cần bám sát người đi trước để tránh bị tụt sau và dễ bị lạc

Thử thách tiếp theo xuất hiện khi chúng tôi bắt đầu nhận ra sự tấn công của những chú vắt – “đặc sản” nổi tiếng của thác K50 nói riêng và các cánh rừng nhiệt đới nói chung!

Loài sinh vật bé tẹo như mẫu cây khô ấy tỏ ra cực kỳ “hiếu khách” khi phát hiện ra những động vật máu nóng như chúng tôi đang tiến vào lãnh địa của mình.

Từ dưới lớp cây mục, trên những bụi lá ven đường, chúng ngoi lên “lóp ngóp” đông như quân Nguyên: một vòi bám xuống đất, vòi còn lại vươn ra xa, ngoe nguẩy “chào mừng” khách bộ hành đi ngang, và phước cho những ai bất cẩn chạm vào chúng, loài sinh vật bé xíu này sẽ tranh thủ “quá giang” ngay lên quần áo giày dép rồi tìm đường chui vào da thịt khổ chủ xin tí huyết!

Lần đầu tiên nhận ra sự đeo bám của lũ vắt là khi tôi vừa lội qua một con suối nhỏ, dừng chân để giũ nước và phát hiện một “chú em” đang trườn rất tích cực trên cổ chân mình.

Cũng xin nói thêm, vì đã lường trước sự hung hãn của vắt rừng nên tôi trang bị rất kỹ: nào vớ, nào xà cạp lẫn thuốc DEP; nhưng dường như lũ vắt rất “ghét” những ai trang bị kín kẽ, càng phòng thủ chặt chúng càng tấn công mạnh mẽ, và hậu quả là sau khi dừng chân tại một con suối kiểm tra bên trong giày, một vài chú vắt tinh quái chẳng biết bằng cách nào đã chui lọt qua lớp vớ dày, đang say sưa hút máu “ngon lành” dưới bàn chân tôi!

Vắt cắn không đau, chỉ hơi ngứa vì chúng tiêm chất gây tê lẫn chống đông máu vào người, nhưng khi lấy tay gỡ chúng ra thì vết cắn sẽ chảy máu khó cầm kèm theo cảm giác hơi nhói kéo dài tầm một phút.

XEM THÊM:  Địa chỉ cho thuê xe máy Đà Nẵng uy tín ở quận Sơn Trà giá tốt nhất

Điều đáng sợ ở vắt không phải là việc bị chúng cắn mà là do khả năng di chuyển quá êm ái dẫn đến nguy cơ bạn sẽ bị chúng chui vào những chỗ hiểm sâu trong người!

Kinh nghiệm rút ra là mỗi khi thấy có gì đó “cồm cộm” hay “ngứa ngấy” bất thường sau lớp quần áo, tốt nhất nên đưa tay thăm dò thử, rất có thể bạn sẽ lôi ra được vài chú vắt đang “ngoe nguẩy” trốn kỹ.

Hạn chế ngồi lâu và nơi ẩm ướt, lá cây rậm rạp để tránh vắt đeo bám

Không chỉ riêng gì tôi, cả đoàn hầu như ai cũng phải “hiến máu” bất đắc dĩ, câu chuyện khổ chiến trường kỳ với vắt bắt đầu xảy ra từ giữa trưa ngày thứ nhất đến tận khi chúng tôi ra khỏi rừng hai hôm sau mới kết thúc.

Ban đầu thì mọi người còn cảm giác ơn ớn, nhưng về sau thì việc vắt cắn xảy ra quá thường xuyên nên gần như ai nấy đều mặc kệ, đôi khi biết rõ dưới bàn chân mình có một bầy vắt đang mở party “sting dâu” nhưng cũng chả buồn giũ bỏ!

Sau khoảng hai tiếng rưỡi hành trình, mọi người bắt đầu thấm mệt, chúng tôi dừng chân ăn trưa ven một dòng suối nhỏ. Hai bên bờ là các tảng đá lớn, địa hình trống trải đủ chỗ cho nhóm mười mấy người quây quần nhóm bếp, chuẩn bị thức ăn.

Hạ trại ăn trưa với món bánh tráng cuộc thịt heo chấm mắm ớt

Đoàn vượt con suối nhỏ trước khi hạ trại buổi trưa

Chúng tôi thích thú ngâm chân rửa tay bên suối, dòng nước mát lạnh mang đến cảm giác sảng khoái cho cơ thể. Buổi trưa hôm ấy chúng tôi được thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt luộc chấm mắm ớt ngon “nức nở” mà các anh porter chuẩn bị, so với Hoàng Ty thì chỉ có hơn chứ không kém, nhất là khi bụng dạ đói cồn cào và xung quanh là cảnh thiên nhiên hữu tình thơ mộng…

Cả đoàn thưởng thức ngon lành món bánh tráng cuốn thịt heo chấm mắm ớt

Ăn xong thì cũng đã ba giờ chiều, chúng tôi phải tranh thủ khởi hành để đến địa điểm dựng trại trước khi trời tối.

Chẳng biết có phải vì vừa ăn quá no hay không mà sau mấy lượt leo dốc, tôi có cảm giác tức bụng xốc hông dữ dội, tốc độ do đó bị giảm sút khá nhiều.

Tiếp tục hành trình vượt qua nhiều con dốc “KHỦNG”

Trong rừng lúc này không khí mát rượi, mà hầu như bao giờ cũng vậy, với một mật độ cây xanh bao phủ đến 99% thì khi di chuyển trong rừng bạn sẽ không bao giờ lo ngại nắng gắt ảnh hưởng.

Ngược lại ánh sáng và tầm nhìn của bạn sẽ bị hạn chế, có khi chỉ cách người trước vài mét thôi nhưng bạn sẽ không trông thấy họ đâu cả. Đơn giản vì cây cối và bụi rậm sẽ nhanh chóng che khuất đi bóng dáng họ sau một ngả rẽ, nên ngoài việc xác định lối mòn và vết chân để bám theo, bạn còn phải thường xuyên cất tiếng hú để những người khác xác định vị trí.

Trên đường đi bạn sẽ bắt gặp nhiều loại động vật độc lạ

Tôi nhớ mang máng trong hai tiếng rưỡi sau đó, mình đã trèo thêm khoảng ba con dốc nữa trước khi cơ bắp dưới chân bắt đầu “rệu rã”, tuy vậy cả đoàn vẫn phải tiếp tục lầm lũi bước nhanh khi ánh sáng trên đầu ngày một nhạt nhòa và trời cũng bắt đầu tối dần.

Năm giờ ba mươi chiều, chúng tôi thoát khỏi cánh rừng dày đặc và đối diện với một con suối lớn chắn ngang, bề rộng đâu đó chừng 50-60m, nước chảy rất xiết.

Gian nan vượt suối chảy siếc giữa không gian mù mịt tối

Anh Lực bơi trước sang bờ bên kia để cố định một đầu dây, sợi dây căng ngang con suối này sẽ là tay vịn cho chúng tôi vượt dòng.

XEM THÊM:  20 Địa điểm du lịch Lào Cai view đẹp, nổi tiếng cho du khách check-in

Vượt qua con suối lớn chảy siếc

Sau khi nhìn xung quanh và xác định ở đây chẳng có thuyền bè hay cầu gỗ gì để hỗ trợ, tôi hiểu rằng cả đám sẽ phải bơi qua con suối cực rộng kia.

Nhìn thì đơn giản khi có dây bám, nhưng thử thách này cũng thật sự ra trò khi bề mặt đáy suối rất trơn trượt, cộng thêm nước chảy xiết khiến cho việc di chuyển hết sức khó khăn.

Chúng tôi lần lượt cởi bỏ balo, lội mình không qua suối, nước có đoạn dâng đến ngực, đá suối trơn trượt khiến chúng tôi suýt trượt ngã mấy lần, khi lên đến bờ bên kia hầu như ai đều ướt nhèm nhẹp.

Nước suối vốn dĩ đã lạnh như nước đá, trời lúc này sụp tối càng khiến cho nhiệt độ xuống thấp hơn, chúng tôi ngồi run “lập cập” giương mắt chờ đợi từng người lội sang bên này suối.

Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó, vẫn còn núi balo của mười mấy người để lại bên kia bờ. Các anh em đội hỗ trợ phải thay phiên bơi qua bơi lại để tải hết đống hành lý của chúng tôi qua suối mà không để chúng thấm nước (thiết bị máy ảnh và quần áo lương thực ở cả bên trong).

Thời gian trôi dần, ánh tà dương cuối cùng đã lịm tắt, khu rừng chìm trong bóng tối mịt mùng, chúng tôi ngồi ở bên này suối sốt ruột nhìn các anh em vẫn còn loay hoay dưới nước.

Việc duy nhất chúng tôi có thể làm lúc này là soi đèn cho các anh em thấy đường di chuyển. Khi chiếc balo cuối cùng được tải xong, dây sang bờ cũng đã được thu lại, chúng tôi xem như hoàn tất thử thách vượt suối đầy gian nan.

Lúc này ai nấy đều lạnh run, nhưng vẫn phải tiếp tục di chuyển gấp gáp đến địa điểm hạ trại. Tin mừng là nơi ấy chỉ còn cách đây không xa, chỉ cần xuôi theo bờ suối là đến.

Nghe qua thì dễ, nhưng thực tế để đi lại trên những mỏm đá lồi lõm quán trơn trong hoàn cảnh tối mịt này là không hề đơn giản chút nào.

Chúng tôi cẩn thận đặt từng bước chân một, dò dẫm dưới ánh đèn pin theo hướng người đi trước, balo nặng trịch trên vai không đáng sợ bằng việc trượt chân té nhào xuống nước lúc này. Lắm lúc phải túm chặt những cành cây khô chìa ra hai bên lối đi làm điểm tựa hay dùng cả tứ chi trườn qua một dốc đá thoai thoải.

Hạ trại khi trời đã tắt

Tầm hai mươi phút sau, cuối cùng nhóm đã đến điểm hạ trại bên kia bờ một con suối nhỏ. Để vượt con suối này, bạn phải bước qua một con đường đá ngầm bị dòng nước chảy xiết bao phủ bên trên, nếu là ban ngày thì việc đi lại tương đối dễ dàng, nhưng lúc này để đảm bảo an toàn thì ai nấy đều phải đi hết sức thận trọng, có người phải bỏ cả giày để tăng độ bám.

Rất may tất cả đều vượt qua thử thách cuối cùng một cách suôn sẻ!

Gần 7 giờ tối, chúng tôi hạ trại tại bãi đất trống bên suối, đây cũng chính là địa điểm nằm gần đỉnh thác K50.

Lúc này tuy không nhìn thấy cảnh vật xung quanh nhưng tôi có thể nghe rõ âm thanh gầm gừ của tiếng thác đổ bên tai.

Nhóm anh em hỗ trợ tỏ ra rất thiện nghệ, người đi kiếm củi, người thì dựng lều, người lại nhóm bếp nấu nướng.

Quây quần bên bếp lửa và thưởng tiệc BBQ

Hạ trại và thưởng thức BBQ tiệc thịt gà, thịt heo, thịt bò nướng

Tốp chúng tôi sau khi vệ sinh cá nhân xong (chủ yếu là kiểm tra vắt) cũng tập trung về khu vực bếp lửa. Tối đó, chúng tôi được thưởng thức tiệc nướng BBQ cùng nồi cháo gà thơm lừng do đội hậu cần chuẩn bị.

Trong không khí se lạnh của đại ngàn, chúng tôi chuyền tay nhau chung rượu nồng ấm, nhấm nháp món bò 1 nắng chấm muối kiến tuyệt hảo, ôn lại những vất vả của một ngày dài trekking.

Khi men đã thấm, bụng đã căng, đôi mắt cũng dần trĩu lại, chúng tôi lũ lượt trở về lều cá nhân, lăn ra đánh một giấc say sưa mặc cho con suối bên cạnh vẫn đang miệt mài hát vang bài ca núi rừng suốt cả đêm…

Kết thúc ngày 1 đầy vất vả!

(- Hết P1 -)

Thực hiện: Nhật Quang

Biên tập và ảnh: Xuân Lộc, Vĩnh Hy

5/5 - (1 bình chọn)